Là một trong những địa phương nằm trong khu phi quân sự, xã Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng) trở thành điểm chốt tiền tiêu nơi đầu cầu giới tuyến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Vĩnh Quang có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là điểm giao thông huyết mạch của khu vực Vĩnh Linh. Vì vậy, Vĩnh Quang và các xã trên địa bàn huyện Vĩnh Linh phải hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn của kẻ thù.
Biến đau thương thành hành động cách mạng, được sự chỉ đạo của Khu uỷ Vĩnh Linh, quân và dân Vĩnh Quang đã triển khai kế hoạch phòng tránh, đánh trả quyết liệt với kẻ thù. Với những cống hiến xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sản xuất, ngày 22.12.1969, lực lượng vũ trang xã Vĩnh Quang được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, nhân dân xã Vĩnh Quang bắt đầu công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương. Trước xu thế phát triển của đất nước và yêu cầu thực tiễn của địa phương, ngày 24.8.2009, thực hiện Nghị quyết số 39 của Chính phủ, thị trấn Cửa Tùng chính thức được thành lập, gồm toàn bộ xã Vĩnh Quang và một phần của xã Vĩnh Thạch.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đăng Quang trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho thị trấn Cửa Tùng
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, 10 năm xây dựng và phát triển, thị trấn Cửa Tùng đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, bộ mặt đô thị có nhiều đổi mới, khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 10-12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Ngành nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh. Trong đó tập trung phát triển cây cao su tiểu điền với diện tích 60 ha, hồ tiêu 62 ha. Lĩnh vực khai thác và chế biến hải sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đến nay đã phát triển được thêm 3 tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn. Sản lượng khai thác tăng từ 680 tấn (năm 2009) lên 1.015 tấn (năm 2018).
Thương mại, dịch vụ, tiếp tục được đầu tư và mở rộng, nhất là dịch vụ hậu cần nghề cá. Công nghiệp, xây dựng là lĩnh vực có sự phát triển khá, tiêu biểu là nhà máy chế biến hải sản của Công ty TNHH MTV Ngọc Tuấn. Bên cạnh đó các cơ sở chế biến nước mắm, ruốc, hấp sấy cá … tiếp tục duy trì.
Cùng với việc chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, thị trấn cũng quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Năm 2009 thị trấn có 35 người đi xuất khẩu lao động ở các nước thì đến nay con số đó đã tăng lên 292 lao động.
Từ định hướng và sự phát triển phù hợp với đặc điểm, lợi thế của địa phương, kinh tế thị trấn đã có nhiều chuyển biến, thu nhập bình quân đầu người tăng thêm, năm 2009 chỉ đạt 9,1 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2018 đạt 41 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 4,5 lần. Tỉ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 4,63%. Văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên. Đến cuối năm 2018, số gia đình đạt tiêu chí văn hóa là 98,21 %. Trong đó có 6 khu phố đạt danh hiệu văn hóa xuất sắc cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho thị trấn Cửa Tùng
Tại buổi lễ, nhân dân và cán bộ thị trấn Cửa Tùng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014-2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2018.
Cũng trong dịp này, UBMTTQVN tỉnh tặng 10 triệu đồng và UBMTTQVN huyện Vĩnh Linh tặng 10 triệu đồng cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo thị trấn Cửa Tùng.